Ghi nhớ công lao cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Bên cạnh sự nghiệp văn chương phong phú, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn để lại một sự nghiệp cách mạng hiển hách.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương (đứng đầu kỳ thi Hương) và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1905, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân. Năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước. Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức. Năm 1927, ông sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân, suốt thời gian này Ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo tại Huế cho đến khi tờ báo Tiếng Dân bị đình bản (1943).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đầu năm 1946, cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước (31/5/1946-20/10/1946). Với cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã tham gia giải quyết nhiều công việc, góp phần quan trọng điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng. Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình đi kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước.
Động lực để vươn lên
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng trên mảnh đất Lâm Hà – nơi chắp cánh cho biết bao ước mơ và hoài bão của lớp lớp thế hệ học trò bay cao, bay xa. Ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc tại thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được thành lập vào tháng 4 năm 2006 theo quyết định 21/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Sự ra đời của trường không chỉ thể hiện sự tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng mà còn thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Tỉnh đối với sự nghiệp GD-ĐT của huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Trong những ngày đầu thành lập, sự nghiệp giáo dục của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, quang cảnh hoang sơ, nghèo nàn mà khó khăn lớn nhất chính là cha mẹ học sinh chưa thực sự tin tưởng vào sự phát triển của nhà trường, chất lượng tuyển sinh các lớp đầu cấp còn nhiều hạn chế.
Trải qua chặng đường 17 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong số các trường công lập đang từng bước khẳng định vị thế và uy tín trong toàn tỉnh. Những năm gần đây, diện mạo của ngôi trường ngày một khang trang, sạch đẹp, nề nếp nhà trường được củng cố, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên, trường liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” và được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2018. Tích cực trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đặc biệt là nhà trường đã triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc” với ba giá trị cốt lõi là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Hạnh phúc của thầy cô sẽ lan tỏa đến trái tim của từng học trò và học trò sẽ chăm ngoan hơn khi được thầy cô của mình tận tâm, tận tụy giảng dạy. Xây dựng Trường học hạnh phúc thành công còn góp phần loại bỏ những tiêu cực tác động xấu đến ngành Giáo dục, nhà trường và học sinh. Với sự quyết tâm và phấn đấu không ngừng nghỉ ấy, tập thể nhà trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Và hơn tất cả là sự tin yêu của phụ huynh học sinh đối với nhà trường, là tình cảm yêu thương đoàn kết của tập thể cán bộ giáo viên trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Trong những năm qua các thế hệ học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đạt được nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, đặc biệt đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Lâm Đồng các năm học đều có học sinh đạt giải, thi tuyển sinh Đại học và thi tốt nghiệp THPT có nhiều em đạt điểm thi cao, đậu vào các trường đại học tốp đầu. Năm học 2021 – 2022, có 01 HS đạt giải Ba kỳ thi Olympic Tin học khu vực miền Trung Tây Nguyên được tổ chức tại Đà Nẵng; có 24 học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn trong đó có 01 giải Nhất, 06 giải Nhì, 06 giải ba và 11 giải khuyến khích; có 01 HS đạt giải Nhất môn Địa lí được vinh danh trong buổi Lễ tuyên dương – Khen thưởng học sinh xuất sắc tỉnh Lâm Đồng năm học 2021 – 2022; có 02 sản phẩm tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh trong đó có 01 sản phẩm đạt giải Ba; trong Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh năm học 2021 – 2022, học sinh đạt 22 huy chương (10 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 8 huy đồng) và đạt giải Ba toàn đoàn trong 58 đơn vị tham gia.
Mỗi bước đi của thời gian là mỗi bước đánh dấu cho sự nỗ lực, cố gắng của tập thể thầy và trò nhà trường. Mái trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sẽ mãi là nơi gắn kết và bồi đắp tình cảm của các thề hệ thầy và trò, không chỉ là 17 năm nay mà sẽ tiếp tục nhiều hơn trong những năm tới để khẳng định vững chắc vị trí và bản lĩnh của mình.